CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG CÓ ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT KHÔNG?

Hiện nay, việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng là một vấn đề khá phổ biến, là những mối quan hệ xuất phát từ tình yêu, sự đồng cảm hay đơn giản là sự thoải mái với cuộc sống chung mà không cần đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, có thể nhiều người vẫn chưa nắm được những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này. Và cụ thể là việc hưởng di sản thừa kế của nhau theo pháp luật đối với việc chung sống như vợ chồng. Vậy, hãy cùng Luật Đoàn Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Căn cứ pháp lý

– Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03 tháng 01 năm 2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 06 năm 2000 của Quốc hội “về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình;

– Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Toà án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của bộ luật hình sự năm 1999;

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Chung sống như vợ chồng là gì

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”

Mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định:

“…Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”

Có thể hiểu, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ sống cùng nhau như một gia đình, tạo dựng cuộc sống chung, có con chung, có tài sản chung và thường được xem như vợ chồng trong mắt hàng xóm, xã hội mặc dù họ không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Chung sống như vợ chồng là gì

3. Các trường hợp chung sống như vợ chồng

3.1. Chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987

Căn cứ mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định:

“…trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Như vậy, có thể thấy trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được coi là vợ chồng hợp pháp và đồng thời, mối quan hệ có sự ràng buộc về mặt pháp lý mặc dù chưa đăng ký kết hôn.

3.2. Chung sống như vợ chồng sau ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001

Theo mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003. Theo đó:

– Trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 và có thực hiện việc đăng ký kết hôn trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 thì được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

– Trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 nhưng sau ngày 01/01/2003 mà vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

3.3. Chung sống như vợ chồng sau ngày 01/01/2001 đến nay

Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến nay, Pháp luật về hôn nhân và gia đình đều quy định Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Và Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

Như vậy, chỉ khi nam, nữ kết hôn theo quy định của pháp luật thì mới được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Từ đó mới phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với nhau.

4. Trường hợp chung sống như vợ chồng được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật

Như đã phân tích ở trên, các trường hợp sau đây chung sống như vợ chồng được công nhận là vợ chồng hợp pháp, có sự ràng buộc về mặt pháp lý và đương nhiên được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 khi vợ/chồng mất:

– Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn;

– Trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng, có đủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003.

Như vậy, để đảm bảo tốt nhất tất cả các quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng, nam, nữ chung sống như vợ chồng nên thực hiện việc kết hôn theo quy định của pháp luật. Nhằm tránh phát sinh những hậu quả, rủi ro pháp lý về sau.

——/——

Trên đây là toàn bộ nội dung “Chung sống như vợ chồng có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật không?” Luật Đoàn Gia chia sẻ. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

Luật Đoàn Gia – Điểm sáng pháp luật. Hotline: 0984296868

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon