Ngày 27/06/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025) , đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện an toàn giao thông tại Việt Nam. Đặc biệt, một trong những điểm mới được quan tâm là các quy định về cấp giấy phép lái xe (GPLX), với những tiêu chuẩn và quy trình chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng quản lý phương tiện giao thông. Hãy cùng Luật Đoàn Gia tìm hiểu chi tiết những điểm nổi bật qua bài viết dưới đây!
1. Quyết định về tăng số hạng giấy phép lái xe
– Căn cứ theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về giấy phép lái xe:
Theo đó, giấy phép lái xe theo quy định của Luật mới có 15 loại bao gồm các hạng: Hạng A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.
Như vậy, so với Luật mới đã tăng 03 loại so với quy định cũ trước đây.
2. Quy định mới về độ tuổi lái xe
– Theo Khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng. Theo đó:
+ Người đủ 16 tuổi trở lên: điều khiển xe gắn máy
+ Người đủ 18 tuổi trở lên: được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ
+ Người đủ 21 tuổi trở lên: được cấp GPLX hạng C, BE
+ Người đủ 24 tuổi trở lên: được cấp GPLX hạng D1, D2, C1E, CE
+ Người đủ 27 tuổi trở lên: được cấp GPLX hạng D, D1E,
+ Tuổi tối đa: người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam đủ 55 tuổi đối với nữ
3. Quy định về cấp mới giấy phép lái xe
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về cấp mới GPLX
“1. Giấy phép lái xe được cấp cho người tham dự kỳ sát hạch lái xe có kết quả đạt yêu cầu.”
– Trong trường hợp, người điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ đã được cấp GPLX theo Luật trước đó mà còn thời hạn thì vẫn sử dụng bình thường.
Cần lưu ý rằng: Đối với người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước về giải quyết việc vi phạm hành chính thì sẽ không được cấp mới GPLX. (Theo Khoản 4 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)
4. Quy định về cấp lại giấy phép lái xe
4.1. Trường hợp người có giấy phép được cấp đổi giấy phép lái xe
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về cấp mới giấy phép lái xe:
“2.Người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép lái xe bị mất;
b) Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;
c) Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe;
d) Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe;
đ) Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng;
e) Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.”
Cần lưu ý rằng: Đối với người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước về giải quyết việc vi phạm hành chính thì sẽ không được cấp lại GPLX. (Theo Khoản 4 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)
4.2. Thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe đối với xe máy
– Đối với xe máy, trường hợp cấp lại GPLX sẽ được thực hiện như sau:
+ GPLX hạng A1 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng A với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 14kW.
+ GPLX hạng A2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng A.
+ GPLX hạng A3 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B1.
+ Khi đổi hạng A4, cơ quan chức năng sẽ cấp lại sang chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng
4.3. Thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe đối với ô tô
– Đối với xe máy, trường hợp cấp lại GPLX sẽ được thực hiện như sau:
+ GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động;
+ GPLX hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;
+ GPLX hạng C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;
+ GPLX hạng D được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2 và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;
+ GPLX hạng E được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;
+ GPLX hạng FB2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng C1E và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;
+ GPLX hạng FC được đổi, cấp lại sang GPLX hạng CE và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;
+ GPLX hạng FD được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2E và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;
+ GPLX hạng FE được đổi, cấp lại sang GPLX hạng DE và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.
——/——
Luật Đoàn Gia – Điểm sáng pháp luật. Hotline: 0984296868
.