BÌNH LUẬN VẤN ĐỀ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN DO TAI NẠN GIAO THÔNG

Theo thống kê, tính trong thời gian 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 5.684 vụ tai nạn giao thông. Khiến 3.286 người thiệt mạng, 3.696 người bị thương. Bình quân mỗi ngày có tới 31 vụ tai nạn, khiến 19 người tử vong. Trong đó, chưa kể đến những thiệt hại về tài sản khi tai nạn giao thông xảy ra.

Có thể thấy, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực Hình sự đã có những quy định cụ thể và chi tiết cho từng trường hợp khi tai nạn giao thông xảy ra và có gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về tài sản, mặc dù đã được pháp luật quy định theo từng điểm; khoản cụ thể từ thiệt hại giá trị nhỏ cho đến thiệt hại lớn. Song vẫn chưa thực sự thỏa đáng, vậy những điểm bất cập đó là gì? Hãy cùng Luật Đoàn Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Công văn số 02/TANDTC-PC 2021 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.

2. Gây thiệt hại về tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 về thiệt hại liên quan đến tài sản như sau:

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

Theo đó, gây thiệt hại về tài sản do tai nạn giao thông là trường hợp tài sản bị hủy hoại; bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị giảm sút. Khi đó, người bị thiệt hại về tài sản trong tai nạn giao thông căn cứ vào giá trị được định giá tại thời điểm bị thiệt hại để làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định.

Tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản

3. Trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại về tài sản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Có thể thấy, căn cứ để xác định bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Có thiệt hại thực tế xảy ra;

– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Ngoài ra; khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần quan tâm đến yếu tố lỗi của các bên. Lỗi của người vi phạm là một trong những điều kiện; căn cứ có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, yếu tố này không phải là yếu tố bắt buộc.

Hơn nữa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông mang đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, bao gồm:

– Phát sinh giữa những người chưa từng có quan hệ hợp đồng, hoặc không liên quan đến quan hệ hợp đồng;

– Là trách nhiệm tài sản;

– Không phụ thuộc vào yếu tố lỗi;

– Người chịu trách nhiệm bồi thường có thể không phải là người gây thiệt hại.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc xác định lỗi của bị hại/người bị thiệt hại trong vụ án giao thông mà bị hại/người bị thiệt hại cũng có lỗi là một trong những căn cứ quan trọng trong nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”

Như vậy, đối với các trường hợp mà bị hại/người bị thiệt hại cũng có lỗi cần phải xác định mức độ; tỷ lệ lỗi của bị hại/người bị thiệt hại để xác định mức bị cáo/người gây thiệt hại phải bồi thường tương ứng với tỷ lệ lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định mức độ lỗi; tỷ lệ lỗi của Tòa án chưa thật sự chính xác, còn tùy nghi trong việc vận dụng.

4. Trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại về tài sản

Mặc dù, pháp luật Hình sự đã có những xử lý cụ thể và chi tiết trong việc ban hành những quy định liên quan đến Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Song vẫn còn những vướng mắc chưa rõ ràng và cần khắc phục. Cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng….”

Thứ nhất, việc xác định “Thiệt hại về tài sản” 

Đối với trường hợp người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Gây thiệt hại cho tài sản của chính họ hoặc tài sản mà họ là người đang quản lý, sử dụng (thông qua hình thức thuê, mượn) thì thiệt hại này sẽ không được coi là “Thiệt hại về tài sản” nên sẽ không được xác định để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 1 các Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, nội dung này đã được TANDTC giải đáp tại tiểu mục 4 phần I Công văn 02/TANDTC-PC 2021 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử như sau:

“4. Người sử dụng phương tiện giao thông của người khác gây tai nạn thì thiệt hại đối với tài sản này có bị coi là gây “thiệt hại cho người khác” quy định tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật Hình sự không?Thiệt hại cho người khác quy định tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật Hình sự được hiểu là thiệt hại không bao gồm thiệt hại của người gây tai nạn và phương tiện mà người gây tai nạn sử dụng. Do đó, trường hợp nêu trên không coi thiệt hại từ chính phương tiện mà họ điều khiển là “thiệt hại cho người khác” dù đó không phải là tài sản của họ.”

Thứ hai, khung hình phạt đối với thiệt hại trên 100.000.000 đồng

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng….”

Thực tế hiện nay, vấn đề tai nạn giao thông gây hậu quả thiệt hại về tài sản là vô cùng phổ biến. Từ những thiệt hại nhỏ như phương tiện giao thông là xe mô tô hai bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện),…bị trầy xước; bóp méo đến thiệt hại lớn đối với những chiếc xe ô tô có giá trị lớn.

Có thể thấy, khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với những hành vi gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng là chưa thực sự thỏa đáng. Bởi lẽ; giả sử như những chiếc xe ô tô có giá trị lớn như Mercedes C300 AMG: 2,089 tỷ VNĐ; Mercedes E300 AMG: 2,95 tỷ VNĐ; hay giá trị hơn là Mercedes S450 2022: 5,199 tỷ VNĐ; Mercedes S450 Luxury 2022: 5,749 tỷ VNĐ… Nếu như những chiếc xe này bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, thì chi phí để ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả dù chỉ là trầy xước nhẹ cũng rất cao.

Kết luận

Mặc dù, bên cạnh những điểm mới tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; đã thay đổi rất nhiều so với chủ thể của Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999. Cụ thể, chủ thể của điều Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999; chỉ là những người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ còn chủ thể của của Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là những người tham gia giao thông đường bộ. Hơn nữa, theo khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

“22. Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.”

Song, vẫn còn những bất cập như đã phân tích ở trên.

Trên đây là toàn bộ nội dung nhận định của Luật Đoàn Gia chúng tôi về vấn đề thiệt hại về tài sản do tai nạn giao thông.

Hy vọng bài viết đã giúp Quý độc giả biết thêm thông tin về vấn đề này. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon