Hiện nay, Nhà nước đang có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Một trong các loại hình doanh nghiệp được quan tâm nhất hiện nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bởi sự đơn giản về mặt cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề gì khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên? Bài viết dưới đây sẽ giúp cho quý khách hàng hiểu hơn về các quy định của pháp luật để tránh gặp phải những khó khăn trong quá trình thành lập doanh nghiệp.
1. Lưu ý về chủ thể thành lập công ty
Theo quy định tại điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ thể thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm:
- Tổ chức có tư cách pháp nhân;
- Người đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp.
2. Lưu ý về tên công ty
Căn cứ vào điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tên của một công ty được quy định như sau:
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
Do đó, để hình thành nên tên gọi của một công ty theo đúng quy định của pháp luật thì thành phần tên công ty phải bao gồm loại hình doanh nghiệp (công ty TNHH/ công ty trách nhiệm hữu hạn) và tên riêng.
Ví dụ: Công ty TNHH Hòa Bình
Thêm vào đó, tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, do đó việc trùng lặp tên lẫn nhau giữa các doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. Vì thế, trước khi thực hiện các thủ tục, doanh nghiệp nên tra cứu thông tin một cách kỹ càng để tránh gặp những khó khăn trong quá trình đăng ký kinh doanh tại địa chỉ: http://dangkykinhdoanh.gov.vn.
3. Lưu ý về trụ sở công ty
Theo điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có);
Tuy nhiên, tại khoản 11 điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ Xây dựng về việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, trụ sở công ty không được phép đặt tại chung cư có mục đích để ở.
4. Lưu ý về ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng các ngành nghề đó phải nằm trong hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam được quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ;
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của từng ngành nghề theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: một công ty muốn kinh doanh ngành nghề vận tải hành khách, ngoài các hồ sơ thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải có giấy phép kinh doanh của Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh/thành phố nơi công ty đăng ký hoạt động.
5. Lưu ý về vốn điều lệ
Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty;
Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn là 90 ngày, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này.
6. Lưu ý về người đại diện theo pháp luật
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật. Người đó có thể là một trong các chức danh như Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong trường hợp điều lệ công ty không quy định cụ thể thì người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
7. Lưu ý về thành phần hồ sơ
Theo quy định tại điều 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.